Các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới làm thay đổi cuộc sống con người

109 lượt xem
Chia sẻ:
Các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới làm thay đổi cuộc sống con người

Các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã và đang gây ra những biến động mạnh mẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu. Từ hội chứng hoa tulip ở Hà Lan vào thế kỷ XVII đến các cuộc đại khủng hoảng của thế kỷ XX hay cơn càn quét của đại dịch Covid-19 vừa mới trải qua. Mỗi một sự kiện đều kéo theo những hệ lụy kinh tế nặng nề và thách thức lớn cho các quốc gia trong việc tìm kiếm biện pháp khắc phục và hồi phục. Cùng Luci nhìn lại 8 cuộc khủng hoảng kinh tế nổi bật trong lịch sử nhân loại của chúng ta.

1. Hội chứng hoa tulip thế kỷ XVII ở Hà Lan

Hội chứng hoa tulip ở Hà Lan là một trong các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất thế kỷ XVII. Được xem là cuộc khủng hoảng bong bóng đầu cơ tài sản đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử thế giới, khi giá của một củ tulip không ngừng tăng vọt rồi sau đó lao dốc một cách thảm hại. 

Vào thời điểm những năm 1636-1637, cơn sốt hoa Tulip bắt đầu bùng nổ. Hàng nghìn người đổ xô đi mua hoa Tulip khiến giá bán hoa trên thị trường tăng chóng mặt, thậm chí có người còn phải bán cả nhà để mua được chúng. Có thời điểm, một củ Tulip hiếm được bán với giá ước tính cao hơn 10 lần thu nhập hàng năm của một nghệ nhân lành nghề. (Tuy vậy, việc nghiên cứu và xác thực chuyện này còn gặp khó khăn do dữ liệu kinh tế vào những năm 1630 còn hạn chế, đa phần đến từ những nguồn thông tin mang tính phỏng đoán)

Tuy nhiên, thị trường hoa Tulip đột ngột sụp đổ vào tháng 2/1637 chỉ vì một tin đồn về dịch bệnh lan truyền từ loài hoa này. Nhà đầu tư bắt đầu bán tháo hoa Tulip trong cơn hoảng loạn, dẫn đến sụt giảm giá mạnh xuống chỉ còn 1% so với trước đó.

Kết quả là, tài sản của nhiều người bị mất trắng và lợi nhuận ảo trên giấy tờ biến mất. Nhiều công ty kinh doanh hoa Tulip tuyên bố phá sản khắp Hà Lan, làm suy yếu nền kinh tế của đất nước trong giai đoạn này.

Ở Việt Nam cũng từng có cơn sốt lan đột biến cũng khiến nhiều người liên tưởng đến “bong bóng hoa tulip”. Ngay tại thời điểm khi đại dịch nổ ra năm 2020, thị trường lan đột biến cũng xuất hiện nhiều giao dịch “khủng” với quy mô hàng tỷ đồng.

Thuật ngữ "Hội chứng hoa tulip" được dùng như một ẩn dụ chỉ bong bóng kinh tế lớn khi giá tài sản tách rời giá trị thực của nó
Thuật ngữ “Hội chứng hoa tulip” được dùng như một ẩn dụ chỉ bong bóng kinh tế lớn khi giá tài sản tách rời giá trị thực của nó

2. Khủng hoảng tín dụng 1772

Cuộc khủng hoảng tín dụng 1772 là một trong các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nổi bật của thế kỷ XVIII. Cuộc khủng hoảng này nổ ra khi các ngân hàng ở Anh mất khả năng thanh toán. Vào những năm 1760 – 1770, đế quốc Anh trở nên vô cùng giàu có nhờ thương mại và số lượng lớn thuộc địa trên toàn thế giới. Vì vậy, các ngân hàng Anh có chính sách cho vay dễ dàng nhằm mở rộng tín dụng, thu lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, biến cố xảy ra vào ngày 8/6/1772, một đối tác lớn của các ngân hàng Anh là Alexander Fordyce đã bỏ trốn sang Pháp để trốn khoản nợ khổng lồ của mình. 

Tin tức lan nhanh, hàng ngàn người xếp hàng trước cửa các ngân hàng đòi rút tiền. Ngân hàng thất thủ, không có khả năng thanh toán và 20 ngân hàng đã bị phá sản. Cuộc khủng hoảng còn lan rộng tới phần lớn các quốc gia Châu Âu. Đây được cho là nguyên nhân dẫn tới sự kiện “Tiệc trà Boston” và Cách mạng Mỹ.

3. Cuộc đại suy thoái 1929 – 1933

Cuộc đại suy thoái kinh tế 1929-1933 bùng nổ ở Mỹ, sau đó diễn ra hầu khắp các nước tư bản với quy mô và thời gian khác nhau, chấm dứt giai đoạn ổn định của chủ nghĩa tư bản trong những năm 1920. 

Nguyên nhân chủ yếu của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới này là do sản xuất của chủ nghĩa tư bản tăng lên quá nhanh trong giai đoạn ổn định, nhưng nhu cầu và sức mua của người dân lại không tăng tương ứng, khiến hàng hóa sản xuất thừa thãi và dẫn tới suy thoái trong sản xuất. Chính vì vậy, đây được xem là cuộc khủng hoảng thừa, trái ngược với các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 1919 – 1924 được xem là cuộc khủng hoảng thiếu.

Cụ thể, vào khoảng thời gian này, khả năng sản xuất vượt quá khả năng tiêu thụ thực tế và một phần lớn thu nhập quốc dân thuộc về một số ít người. Lợi nhuận của công ty tăng, trong khi người lao động không nhận được phần xứng đáng, không có khả năng mua được hàng hóa do chính họ sản xuất. Một lý do khác nữa là chính sách thuế và những món nợ của các chính phủ làm cho hàng hóa không thể bán ra nước ngoài. Cùng với đó là sự lạm dụng tín dụng, đầu cơ chứng khoán làm cho chính phủ và tư nhân rơi vào tình trạng nợ nần. Cơ giới hóa cũng làm giảm nhu cầu lao động không chuyên môn, dẫn đến thất nghiệp và nghèo đói gia tăng.

Hàng nghìn người thất nghiệp tập trung tại một cửa hàng bán đồ ăn ở Quảng trường Thời đại trong thời kỳ Đại suy thoái
Hàng nghìn người thất nghiệp tập trung tại một cửa hàng bán đồ ăn ở Quảng trường Thời đại trong thời kỳ Đại suy thoái

Cuộc đại suy thoái 1929-1933 đã tàn phá khủng khiếp nền kinh tế thế giới. Các nhà máy liên tiếp đóng cửa, hàng nghìn ngân hàng theo nhau phá sản, hàng triệu người thất nghiệp không còn phương kế sinh sống, hàng nghìn người mất nhà cửa vì không trả được tiền cầm cố, nhà nước không thu được thuế, công chức không được trả lương…

Trong bối cảnh đó, mâu thuẫn xã hội bùng nổ gay gắt. Hàng nghìn cuộc biểu tình của những người thất nghiệp đã nổ ra. Các nước tư bản không có hoặc có ít thuộc địa ngày càng thiếu vốn, thiếu nguyên liệu và thị trường, đã đi theo con đường phát xít hóa chế độ chính trị hòng cứu vãn tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng của mình. Điển hình là ở Đức, Italia và Nhật Bản, từ đó, bắt đầu hình thành những lò lửa chiến tranh. Trong khi đó, những nước như Mỹ, Anh, Pháp… vì có thuộc địa, vốn và thị trường, có thể thoát ra khỏi khủng hoảng bằng những cải cách kinh tế – xã hội một cách ôn hòa. Từ đó hình thành hai khối đối lập, một bên là Đức, Italia, Nhật Bản với một bên là Mỹ, Anh, Pháp, cùng cuộc chạy đua vũ trang của hai khối đã báo hiệu một cuộc chiến tranh mới không thể tránh khỏi.

4. Cuộc khủng hoảng giá dầu mỏ 1970

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ là một trong các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng nổ ra khi các quốc gia thuộc Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tuyên bố cấm vận dầu mỏ, ngừng xuất khẩu dầu cho Mỹ cũng như các nước đồng minh để trả đũa nước Mỹ vì hỗ trợ vũ trang cho Israel trong thời kỳ chiến tranh lần thứ tư giữa Arab và Israel. Điều này gây ra tình trạng thiếu hụt lượng lớn dầu và giá dầu tăng đột biến, dẫn đến khủng hoảng kinh tế ở Mỹ và nhiều nước phát triển khác.

Bức ảnh thể hiện cuộc khủng hoảng năm 1970
Bức ảnh thể hiện cuộc khủng hoảng năm 1970

Tại Mỹ, từ tháng 5/1973 đến tháng 6/1974, giá bán lẻ trung bình của một gallon xăng thông thường tăng 43%. Chính quyền các bang yêu cầu người dân không treo đèn Giáng sinh để tiết kiệm nhiên liệu. Các chính trị gia kêu gọi một chương trình phân phối xăng dầu quốc gia, yêu cầu các nhà bán lẻ xăng dầu tự nguyện không bán xăng vào các tối cuối tuần.

Tại các trạm xăng ở phương Tây, xe xếp hàng dài nhiều kilomet. Lúc bấy giờ, bắt đầu xuất hiện những chiếc xe ô tô cỡ nhỏ thay vì những chiếc xe limousine sang trọng nhưng tốn xăng vốn có nhu cầu trong những năm 50 và 60. 

5. Khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-1998

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á bắt đầu từ tháng 7 năm 1997 ở Thái Lan. Được châm ngòi bởi tình trạng vay mượn không kiểm soát và một hệ thống tài chính tham nhũng, lỏng lẻo. Hệ thống ngân hàng nhanh chóng sụp đổ. Ngày 2/7/1997, Chính phủ Thái Lan buộc phải phá giá đồng Baht nội tệ, khiến cho nhiều công ty và cá nhân gần như mất trắng trong 1 đêm. Cuộc khủng hoảng đã gây ra hiệu ứng domino khi các nhà đầu tư mất niềm tin vào các nền kinh tế Châu Á khác. 

Một cửa hàng ở Bangkok, Thái Lan giảm giá 50% trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm thu hút những khách hàng đã mất khả năng chi tiêu sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997
Một cửa hàng ở Bangkok, Thái Lan giảm giá 50% trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm thu hút những khách hàng đã mất khả năng chi tiêu sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997

Chẳng mấy chốc, quốc gia với nền kinh tế hàng đầu châu Á lúc bấy giờ rơi vào tình trạng hấp hối. Bangkok giống như một chợ trời khổng lồ. Những người Thái Lan giàu có đem bán các hàng hóa xa xỉ của họ với giá không thể rẻ hơn tại các bãi đậu xe. Ô tô, đồ trang sức, rượu, thậm chí cả máy bay cá nhân,… đều bán hết để duy trì cuộc sống.

Mặc dù được gọi là cơn khủng hoảng “Đông Á” vì nó bắt nguồn từ Đông Á, nhưng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính này lại lan truyền toàn cầu và gây nên sự khủng hoảng tài chính trên toàn cầu, với những tác động lớn lan rộng đến cả các nước như Nga, Brazil và Hoa Kỳ.

6. Sự sụp đổ của các công ty dot-com

Bong bóng Dotcom hay Dotcom Bubble là thuật ngữ nổi tiếng nói đến các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới gây ra bởi các công ty công nghệ vào thập niên 90, khi cổ phiếu các công ty công nghệ kinh doanh trên Internet với tên miền “.com” bị sụp đổ do việc bị thổi phồng quá mức.

Thập niên 90 là thời kỳ phát triển vượt bậc của công nghệ trong nhiều lĩnh vực. Do đó, lúc bấy giờ, các công ty công nghệ được định giá quá cao so với giá trị thực. Không chỉ nhà đầu tư mà ngay cả các hộ gia đình cũng đánh giá cao tiềm năng của các công ty dotcom và liên tục đầu tư vào. Điều đó đã đẩy giá cổ phiếu lên cao. Cùng với đó, mức lãi vay tại Mỹ trong thời gian này cũng ở mức thấp, càng khiến việc vay vốn đầu tư vào các doanh nghiệp này càng trở nên dễ dàng hơn. 

Bên cạnh đó, nhận thấy thị trường đang đổ vốn rất nhiều vào lĩnh vực này, các công ty khởi nghiệp cũng trong cuộc chạy đua để nhanh chóng trở nên lớn mạnh. Thế nhưng họ không có bất kỳ một công nghệ độc quyền nào. Phần lớn tiền của họ đều dành cho các hoạt động marketing để nâng cao thương hiệu. Điều này khiến cho hình ảnh công ty được đánh bóng và họ được lòng tin từ nhà đầu tư. Vì thế, một số công ty mới thành lập đã chi tới 90% ngân sách cho quảng cáo. Sau đó, giá cổ phiếu của họ tăng gấp ba hoặc bốn lần chỉ trong một ngày. Điều này đã tạo ra một cơn sốt lớn cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, giá trị thực tế của các công ty này không tương xứng với mức kỳ vọng đặt ra. Kết quả là những giá trị ảo này bị đẩy xuống tương xứng với thực tế, khiến thị trường lâm vào khủng hoảng.

7. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2008 bắt nguồn từ sự sụp đổ của bong bóng bất động sản tại Mỹ. Thời điểm đó, các ngân hàng Mỹ cho vay thế chấp mua nhà với lãi suất cao đối với những đối tượng có rủi ro về khả năng trả nợ. Điều này đã kéo theo một loạt các sự kiện như tình trạng nợ tín dụng gia tăng, giá nhà đất chạm đáy, thị trường chứng khoán sụp đổ, hệ thống ngân hàng lao đao, thất nghiệp tăng cao. Đỉnh điểm là ngân hàng Lehman Brothers một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới đệ đơn phá sản vào năm 2008.

Cuộc khủng hoảng từ Hoa Kỳ đã lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, dẫn tới những đổ vỡ tài chính, suy thoái kinh tế, suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước trên thế giới. Cuộc khủng hoảng gây ra thảm họa tài chính lớn nhất kể từ Đại suy thoái 1929. Và cái giá phải trả cho cuộc khủng hoảng năm 2008 là 10.000 tỷ USD bị cuốn trôi, 30 triệu người mất việc, 50 triệu người quay lại chuẩn dưới nghèo.

8. Đại dịch Covid-19 

Chúng ta vừa mới trải qua đại dịch Covid 19 và vẫn đang phải đương đầu với cuộcsuy thoái kinh tế nặng nề nhất từ trước đến nay với quy mô trên toàn thế giới. 

Covid-19 để lại những hậu quả nặng nề trên toàn thế giới
Covid-19 để lại những hậu quả nặng nề trên toàn thế giới

Suy thoái kinh tế do COVID-19 đã tạo ra một cú sốc toàn cầu, với hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc giảm quy mô hoạt động để tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.  Ngành du lịch và giải trí là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với việc hủy bỏ các sự kiện, tour du lịch và hoạt động giải trí, dẫn đến mất hàng tỷ đô la doanh thu và hàng triệu việc làm trên toàn cầu. Ngoài ra, việc giãn cách xã hội và các biện pháp phong tỏa trong thời kỳ đại dịch đã gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, làm giảm sản xuất và tiêu thụ, gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Hiện nay, kinh tế thế giới đang dần hồi phục sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức lớn do những diễn biến phức tạp sau thời kỳ dịch Covid-19, bất ổn địa chính trị và cạnh tranh giữa các nước lớn tiếp tục tạo ra những thay đổi và tác động đến nền kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn.

Nhìn chung, các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã có những tác động đáng kể và sâu rộng đối với nền kinh tế toàn cầu trong suốt chiều dài lịch sử. Mặc dù mỗi cuộc khủng hoảng đều có nguyên nhân và hậu quả riêng, nhưng tất cả đều nêu bật tầm quan trọng của chính sách kinh tế hiệu quả, quy định tài chính và hợp tác quốc tế. Đòi hỏi sự đoàn kết và nỗ lực của mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế để ngăn chặn và giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế trong tương lai, đảm bảo sự ổn định, linh hoạt và bền vững của nền kinh tế toàn cầu.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Mục lục