Báo cáo Khoảng cách về Giới năm 2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, bản in lần thứ 10, tiết lộ hai xu thế đáng lo ngại. Thứ nhất, với nhịp độ phát triển hiện tại, phải mất 118 năm nữa để đạt được bình đẳng giới về kinh tế trên thế giới. Thứ hai, quá trình tiến tới sự bình đẳng này diễn ra khá chậm chạp, thậm chí có thế bị đình trệ.
Do vậy, điều quan trọng là phải xem xét tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với khoảng cách về giới. Tốc độ thay đổi công nghệ ngày càng tăng trên khắp các thế giới vật chất, số và sinh học sẽ tác động ra sao lên vai trò của nữ giới trong nền kinh tế, chính trị và xã hội?
Có thể bạn quan tâm:
Một câu hỏi quan trọng là những nghề nữ giới chiếm ưu thế hay những nghề nam giới chiếm ưu thế có nguy cơ bị tự động hóa cao hơn. Báo cáo Tương lai nghề nghiệp của Diễn đàn chỉ ra nhiều khả năng cả hai nhóm đều mất đi đáng kể việc làm. Trong khi xu hướng thất nghiệp xảy ra nhiều hơn do tự động hóa trong các ngành nam giới chiếm ưu thế như chế tạo, xây dựng và lắp đặt, thì việc trí tuệ nhân tạo phát triển và khả năng số hóa công việc trong các ngành dịch vụ tăng lên cũng đồng nghĩa với việc nhiều nghề nghiệp đang đứng trước nguy cơ, từ nhân viên trực tổng đài tại các thị trường mới nổi (nguồn sinh kế của nhiều phụ nữ trẻ, nhiều người là nữ giới đầu tiên trong gia đình được đi làm) tới các công việc hành chính và bán lẻ tại các nền kinh tế phát triển (một nghề nghiệp phổ biến của phụ nữ trung lưu lớp dưới).
Mất việc có tác động tiêu cực trong nhiều trường hợp, nhưng hệ quả tích lũy của tình trạng mất việc nghiêm trọng trên khắp các nhóm ngành nghề truyền thống cho phụ nữ mới là điều rất đáng quan ngại. Cụ thể, nó sẽ đẩy các gia đình có thu nhập duy nhất từ người phụ nữ tay nghề thấp vào tình trạng nguy hiểm, giảm tổng thu nhập của các gia đình có hai lao động, và nới rộng khoảng cách về giới vốn đã nhức nhối trên thế giới.
Vậy còn những vai trò mới và ngành nghề mới thì sao? Cơ hội nào cho phụ nữ trong một thị trường lao động chuyển đổi trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư? Trong khi rất khó phác thảo ra các kỹ năng và năng lực cần có trong các ngành công nghiệp còn chưa ra đời, chúng ta có thể giả định một cách logic rằng nhu cầu sẽ gia tăng với các kỹ năng cho phép người lao động thiết kế, xây dựng và làm việc cùng các hệ thống công nghệ, hoặc ở các lĩnh vực sẽ lấp vào khoảng trống do các sáng tạo công nghệ này tạo ra.
Do nam giới có xu hướng chiếm ưu thế trong ngành khoa học máy tính, toán học và kỹ thuật, nên nhu cầu ngày càng tăng đối với các chuyên môn kỹ thuật sẽ có thể khiến tình trạng bất bình đẳng giới thêm trầm trọng. Tuy nhiên, nhu cầu có thể sẽ gia tăng đối với những công việc máy móc không thực hiện được và những nhiệm vụ đòi hỏi những khả năng, phẩm chất tự nhiên của con người như các vấn đề tình cảm và tâm lý. Phụ nữ chiếm ưu thế trong nhiều nghề như chuyên gia tâm lý, trị liệu, huấn luyện viên, tổ chức sự kiện, điều dưỡng và các nghề chăm sóc sức khỏe khác.
Một vấn đề then chốt ở đây là lợi nhuận tương đối tính trên thời gian và công sức trong những công việc đòi hỏi năng lực kỹ thuật khác nhau, vì có nguy cơ là các dịch vụ cá nhân và các nghề phụ nữ đang chiếm ưu thế tiếp tục bị đánh giá thấp. Nếu vậy, cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ càng gia tăng sự phân biệt vai trò của nam giới và nữ giới. Đây là một hệ quả tiêu cực của cách mạng công nghiệp lần thứ tư bởi nó làm gia tăng bất bình đẳng nói chung và khoảng cách giới nói riêng, gây thêm nhiều khó khăn cho phụ nữ trong việc phát huy năng lực của mình trong lực lượng lao động tương lai. Nó còn đe dọa những giá trị do việc nâng cao tính đa dạng mang lại và những lợi ích mà chúng ta biết các tổ chức có thể thu được nhờ tăng cường tính sáng tạo và hiệu quả với một đội ngũ cân bằng giới ở tất cả các cấp. Nhiều phẩm chất và năng lực gắn liền với phụ nữ và các nghề đặc thù nữ giới sẽ càng cần thiết hơn trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong khi chúng ta không thể dự đoán được các tác động khác nhau của cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nam giới và nữ giới, chúng ta cần tranh thủ cơ hội của nền kinh tế đang chuyển đổi để thiết kế lại chính sách lao động và tập quán kinh doanh để đảm bảo cả nam giới và nữ giới đều được trao quyền một cách tối đa.
(Theo Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – Klaus Schwab)