Bầu trời đêm với vẻ đẹp của hàng ngàn ngôi sao lấp lánh từng là những hình ảnh đẹp trong ký ức tuổi thơ. Thế nhưng, giờ đây hình ảnh đêm huyền bí ấy đang dần tan biến trước sự ảnh hưởng của ô nhiễm ánh sáng. Hãy cùng theo chân Luci khám phá sâu hơn về những tác động của “sát thủ thầm lặng” này đến môi trường và sinh vật sống trên hành tinh, đồng thời, tìm ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ và duy trì vẻ đẹp tự nhiên vô giá đó.
1. Ô nhiễm ánh sáng là gì?
Phần lớn chúng ta đều được nghe về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí hay ô nhiễm tiếng ồn và tầm nguy hiểm của chúng hàng ngày. Thế nhưng ít ai biết rằng ánh sáng cũng là một nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng cho thế giới hiện đại ngày nay. Chúng được coi là một sát thủ nguy hiểm núp dưới vẻ hào nhoáng. Vậy Ô nhiễm ánh sáng là gì? Hiệp hội bầu trời đêm quốc tế IDA (International Dark-Sky Association) định nghĩa ô nhiễm ánh sáng (Light pollution) là việc sử dụng ánh sáng nhân tạo vào ban đêm quá mức hoặc không thích hợp.
Điều này trở nên rõ ràng hơn khi theo dõi Bản đồ thế giới về độ sáng bầu trời đêm, một bản đồ do máy tính tạo ra dựa trên hàng nghìn bức ảnh vệ tinh, được xuất bản vào năm 2015. Theo đó, chúng ta có thể thấy các khu vực rộng lớn ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông và Châu Á đang rực rỡ sáng ánh sáng, trong khi chỉ những vùng xa xôi nhất trên Trái đất (Siberia, Sahara và Amazon) chìm trong bóng tối hoàn toàn. Một số quốc gia ô nhiễm ánh sáng nhất trên thế giới là Singapore, Qatar và Kuwait.
Một nghiên cứu mới được công bố trên Science báo cáo rằng từ năm 2011 đến năm 2022, độ sáng bầu trời toàn cầu ước tính tăng khoảng 9,6% mỗi năm. Sự sáng lên nhanh chóng của bầu trời đêm trên phần lớn Trái đất gây ra hậu quả nghiêm trọng cho mọi sinh vật.
Tại Việt Nam, nếu như bạn đang học tập hay sinh sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ rất khó để có thể ngắm bầu trời đêm tuyệt đẹp.
2. Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm ánh sáng trên hành tinh của chúng ta
Ô nhiễm ánh sáng trên hành tinh của chúng ta có nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là sự gia tăng của ánh sáng nhân tạo từ các nguồn như đèn đường, đèn quảng cáo, ánh sáng từ các tòa nhà và cơ sở sản xuất công nghiệp. Việc sử dụng quá nhiều ánh sáng không cần thiết hoặc không hợp lý có thể làm cho bầu trời đêm trở nên sáng đến mức không thể nhìn thấy các ngôi sao, gây rối loạn cho các sinh vật và hệ sinh thái.
Sự phát triển kinh tế và đô thị hóa cũng làm tăng nhu cầu về ánh sáng nhân tạo. Điều này thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi ánh sáng để chiếu sáng các khu vực đô thị và công nghiệp, không chỉ làm tăng cường ô nhiễm ánh sáng mà còn tạo ra một số vấn đề khác như tiêu tốn năng lượng và tăng cường biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết và ý thức về tác động của ánh sáng nhân tạo đối với sức khỏe con người, động vật và môi trường cũng là một nguyên nhân. Việc này có thể dẫn đến việc sử dụng không kiểm soát và lãng phí ánh sáng.
3. Có những loại ô nhiễm ánh sáng nào?
Các loại ô nhiễm ánh sáng gồm có: ánh sáng xâm nhập (light trespass), lạm dụng ánh sáng (over-illumination), ánh sáng chói (glare), ánh sáng lộn xộn (clutter) và ánh sáng chiếm dụng bầu trời (sky glow).
3.1 Ánh sáng xâm nhập
Ánh sáng xâm nhập xảy ra khi những ánh sáng xâm nhập vào địa phận của một người khác mà người đó không hề mong muốn, ví dụ như chiếu đèn qua hàng rào nhà hàng xóm, hậu quả có thể là ánh sáng mạnh chiếu qua cửa sổ gây mất ngủ hoặc hạn chế tầm nhìn trong đêm. Ánh sáng xâm nhập đặc biệt gây khó chịu cho các nhà thiên văn nghiệp dư, những người mà khả năng quan sát bầu trời đêm từ nhà mình rất dễ bị ảnh hưởng bởi bất cứ luồng sáng nào gần đó. Hầu hết các trung tâm quan sát thiên văn chính được bao bọc trong những khu vực được cách ngăn chặt chẽ khỏi các luồng sáng. Một số thành phố của Mỹ đã đề ra những tiêu chuẩn chính xác cho việc chiếu sáng ngoài trời để bảo vệ các đài quan sát như vậy.
3.2 Lạm dụng ánh sáng
Lạm dụng ánh sáng là hiện tượng khi chúng ta sử dụng ánh sáng một cách không cần thiết hoặc quá mức so với nhu cầu thực tế. Ví dụ, chiếu sáng các không gian không có người sử dụng hoặc không cần thiết như các khu vực rộng lớn ngoài trời vào ban đêm, các văn phòng hoặc nhà ở khi không có ai ở trong đó.
3.3 Ánh sáng chói
Ánh sáng chói là hậu quả của sự đối lập giữa vùng sáng và vùng tối trong tầm nhìn. Ánh sáng chói chiếu thẳng vào mắt người đi đường và lái xe có thể gây mất tầm nhìn trong đêm đến tận 1 giờ sau đó.
3.4 Ánh sáng lộn xộn
Ánh sáng lộn xộn ám chỉ nhiều luồng sáng quá mức cùng lúc. Các luồng sáng có thể gây lộn xộn, mất tập trung và có thể dẫn tới tai nạn. Loại này đặc biệt xảy ra trên các đường phố mà hệ thống đèn thiết kế kém hoặc là có quá nhiều đèn quảng cáo.
3.5 Ánh sáng chiếm dụng bầu trời
Ánh sáng chiếm dụng bầu trời thường xảy ra ở các khu vực đông dân cư. Ánh sáng từ quá nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả những nơi lạm dụng ánh sáng, được phản chiếu lên bầu trời đêm. Điều này đặc biệt tác động đến các nhà thiên văn trong việc quan sát sao.
4. Những tác hại của ô nhiễm ánh sáng đến sự sống trên hành tinh
4.1 Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm lý con người
Ánh sáng nhân tạo có thể tàn phá nhịp điệu tự nhiên của cơ thể. Ánh sáng ban đêm làm gián đoạn giấc ngủ và rối loạn nhịp sinh học. Lượng ánh sáng tăng vào ban đêm cũng làm giảm khả năng sản xuất hoocmon melatonin dẫn đến thiếu ngủ, mệt mỏi, đau đầu, căng thẳng, lo lắng và các vấn đề sức khỏe khác. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy mối liên hệ giữa mức độ melatonin giảm và bệnh ung thư.
Ánh sáng xanh đã được chứng minh là làm giảm mức độ melatonin ở người. Ánh sáng xanh được tìm thấy trong điện thoại di động và các thiết bị máy tính khác, cũng như trong bóng đèn LED, loại bóng đèn phổ biến trong gia đình, chiếu sáng công nghiệp và thành phố.
4.2 Ảnh hưởng đến cuộc sống của các sinh vật hoang dã
Hầu hết các sinh vật sống đều dựa vào độ sáng của bầu trời để điều khiển nhịp điệu sinh học. Những tín hiệu này giúp điều hòa quá trình di cư tự nhiên, sinh sản và chu kỳ dinh dưỡng của nhiều loài.
Những loài động vật dễ bị tổn thương nhất bởi ô nhiễm ánh sáng là các loài sống về đêm. Theo thống kê, có khoảng 30% động vật có xương sống và 60% động vật không xương sống là động vật hoạt động về đêm. Khi tầm nhìn của chúng thích nghi với bóng tối, chúng sẽ cảm nhận được ánh sáng với cường độ lớn hơn nhiều so với các loài sống vào ban ngày. Do đó, nguồn ánh sáng nhân tạo có thể làm chúng mất phương hướng.
Ví dụ, một số loài sinh vật biển như phù du và san hô, dựa vào độ sáng của mặt trăng để phát tán các tế bào sinh sản. Sự thành công sinh sản của các loài này phụ thuộc vào khả năng phối hợp phân bố giao tử đực và cái của cả hai giới. Nếu bầu trời quá sáng, có khả năng làm thay đổi độ sáng của mặt trăng và khiến các loài này không sinh sản thành công.
Hai phần ba số chim di cư di chuyển vào ban đêm. Chúng xác định phương hướng dựa vào vị trí của các ngôi sao và từ trường của Trái đất. Ô nhiễm ánh sáng không chỉ làm suy giảm tầm nhìn của bầu trời và bản đồ thiên thể mà còn có thể làm chói mắt các loài chim. Một số ánh sáng thậm chí có thể làm thay đổi khả năng phát hiện từ trường của Trái đất. Ngoài ra, động vật mất phương hướng dễ bị kiệt sức, bị săn mồi và có thể va chạm với các tòa nhà phát sáng.
4.3 Phá vỡ hệ sinh thái
Thiên nhiên vốn thích nghi với ánh sáng và bóng tối tự nhiên. Ô nhiễm ánh sáng có thể làm rối loạn và phá vỡ hệ sinh thái. Ánh sáng thu hút một số loài và đẩy xa loài khác, làm mất kết nối của môi trường sống tự nhiên. Điều này làm tăng cường sự cạnh tranh giữa các kẻ săn mồi, thay đổi hành vi săn mồi và dẫn đến sự rối loạn nghiêm trọng trong hệ sinh thái. Những kẻ săn mồi ban ngày như bò sát và các loài chim tận dụng việc tập trung của côn trùng xung quanh các nguồn ánh sáng nhân tạo để săn mồi vào ban đêm. Kết quả là giảm nguồn lương thực, đe dọa sự sinh tồn của những kẻ săn mồi ban đêm.
Một số lượng lớn côn trùng bị thu hút bởi ánh sáng, khiến chúng mất phương hướng và khiến chúng phải đi vòng quanh cho đến khi kiệt sức hoặc bị săn mồi. Sự mất phương hướng do ánh sáng gây ra có thể ảnh hưởng đến khả năng cảm giác và vận động của chúng trong vài giờ, khiến chúng không thể sinh sản, kiếm ăn hoặc trốn thoát khỏi kẻ săn mồi. Sự sụt giảm quần thể côn trùng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với hệ sinh thái, ví dụ như giảm khả năng thụ phấn của thực vật và mất cân bằng trong chuỗi thức ăn. Ánh sáng nhân tạo là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai ở côn trùng sâu thuốc trừ sâu.
4.4 Tác động đến kinh tế, xã hội
Theo như nhiều nghiên cứu cho thấy, năng lượng dùng cho việc chiếu sáng chiếm đến 1/4 năng lượng tiêu thụ trên thế giới, tuy nhiên trong đó có từ 50% – 90% ánh sáng không cần thiết ở các tòa nhà. Việc sử dụng điện chiếu sáng quá dư thừa so với nhu cầu cần thiết sẽ gây lãng phí năng lượng. Từ đó, sẽ gây lãng phí một chi phí lớn cho điện chiếu sáng.
Ở các khu đô thị, thành phố, hầu hết người dân sẽ không thấy những vì sao trên trời vào ban đêm, chỉ trừ mặt trăng và các ngôi sao ở gần trái đất nhất. Điều này làm hạn chế hiểu biết của của con người về không gian, thiên văn học và khoa học.
5. Chúng ta phải làm gì để khắc phục ô nhiễm ánh sáng?
Ô nhiễm ánh sáng là sát thủ nguy hiểm trong thế giới hiện đại, khi mà ánh sáng nhân tạo là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Những cá thể nhỏ bé như chúng ta đều có thể góp phần vào công cuộc giảm thiểu ô nhiễm ánh sáng này.
- Câu “thần chú” – Tắt khi không sử dụng
- Sử dụng nguồn sáng vừa đủ với yêu cầu
- Hạn chế ánh sáng xanh (blue light)
- Khai thác khoa học nguồn ánh sáng ngoài trời
- Bố trí hệ thống chiếu sáng thông minh, khoa học
- Chỉ sử dụng hệ thống chiếu sáng ngoài trời khi và ở nơi cần thiết, để đảm bảo đèn ngoài trời được che chắn đúng cách và hướng ánh sáng xuống thay vì chiếu lên trời, đồng thời đóng rèm cửa sổ, bóng râm và rèm vào ban đêm để giữ ánh sáng bên trong .
Thế kỷ 21 cũng là thời điểm con người phải đối mặt với nhiều sự biến đổi của tự nhiên có tác động trực tiếp đến sự sống của mọi sinh vật trên hành tinh. Từ thiên tai, dịch bệnh đến các nguồn ô nhiễm khác nhau. Ô nhiễm ánh sáng thường bị bỏ qua nhưng lại có những tác động tiêu cực không kém. Nâng cao nhận thức về ô nhiễm ánh sáng và thực hiện các biện pháp phù hợp, chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe con người, đa dạng sinh học và môi trường sống của chính chúng ta.